Suy giảm tài nguyên nước
Tại một số đô thị nước ta, ô nhiễm bởi khí thải, bụi đã đến mức báo động; ô nhiễm do chất thải rắn đang trở thành mối lo ngại của cả cộng đồng; tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên nước (ô nhiễm và cạn kiệt) ảnh hưởng không nhỏ tới tính phát triển bền vững của các đô thị. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự khai thác tùy tiện, quá mức thậm chí gây ra thông tầng; các nguồn chất thải, nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện; việc khai thác chưa có quy hoạch, chưa phân biệt rõ nguồn nước mặt, nước nguồn, độ sâu khai thác...
Cùng với tốc độ đô thị hóa phát triển trên toàn quốc là sự gia tăng dân số ngày càng cao, dẫn tới nhu cầu dùng nước không ngừng tăng cao. Theo thống kê sơ bộ, lượng nước khai thác sử dụng cho các đô thị từ vài trăm đến hàng trăm triệu m3/năm, trong đó khoảng 50% nguồn nước cung cấp cho các đô thị được khai thác từ nguồn nước dưới đất. Hầu hết nước dưới đất được khai thác từ các công trình khai thác nằm trong phạm vi của đô thị hoặc vùng phụ cận.
Chỉ tính riêng thành phố Hà Nội hiện đang khai thác khoảng 800.000 m3/ngày (khoảng 300 triệu m3/năm); TP. Hồ Chí Minh khai thác khoảng 500.000 m3/ngày (khoảng 200 triệu m3/năm). Các đô thị khu vực Đồng bằng Nam Bộ hiện đang khai thác khoảng gần 300.000 m3/ngày (110 triệu m3/năm ).
Mặt khác, quá trình đô thị hóa dẫn tới bê tông hóa bề mặt, thu hẹp diện tích bổ sung nước từ nguồn nước mưa, nước mặt cho nước dưới đất (đây là nguồn nước hết sức quan trọng trong chu trình tái tạo nguồn nước ngầm bị khai thác). Cộng thêm là sự phát triển mạnh mẽ của các công trình cao tầng với các lỗ khoan sâu cũng góp một phần không nhỏ vào sự gia tăng ô nhiễm, suy giảm chất lượng và nguồn nước ngầm.
Khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ phát triển các đô thị là việc làm cấp thiết. Tuy vậy, sự phát triển quá nhanh của các đô thị cùng với sự khai thác tùy tiện đang nảy sinh nhiều nguy cơ tác động xấu đến nguồn tài nguyên nước dưới đất. Chẳng hạn như, tình trạng khai thác vượt quá trữ lượng, gây cạn kiệt nguồn nước và gia tăng mức độ ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất ở các đô thị; công tác thu gom chất thải rắn, xử lý nước thải tại nhiều đô thị còn rất sơ khai dẫn đến tình trạng nguồn nước bẩn, các chất gây nguy hại thấm sâu làm ô nhiễm nguồn nước.
Cấp thiết bảo vệ tài nguyên nước dưới đất
Để góp phần đảm bảo phát triển bền vững các đô thị, cần sớm có chiến lược và các đề án cụ thể bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất. Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước tới năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 đã xác định Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” thuộc danh mục các đề án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2006 – 2010. Bộ TN&MT có Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 ban hành quy định về việc bảo vệ nước dưới đất nói chung, trong đó có khu vực các đô thị.
Tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các độ thị lớn”. Tiếp đó, ngày 30/8/2013, Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” - Giai đoạn I tại 9 đô thị lớn: Thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Mỹ Tho. Sau khi kết thúc giai đoạn I, sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả và triển khai tiếp giai đoạn II ở các đô thị còn lại.
Kết quả của Đề án sẽ giải quyết được các bất cập trong khai thác sử dụng tài nguyên nước ngầm ở các đô thị hiện nay với việc đánh giá chính xác được thực trạng trữ lượng, chất lượng nguồn nước ngầm ở các đô thị; xây dựng được các quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước ngầm ở các đô thị; thiết lập và khoanh định hành lang bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất, vùng cấm, vùng hạn chế và vùng được phép khai thác nước dưới đất ở các đô thị; hoàn thiện và vận hành mạng giám sát nước dưới đất ở các đô thị trong điều kiện khai thác; từng bước xây dựng các công trình bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất để đảm bảo khai thác nước dưới đất được bền vững và an toàn.
Bảo vệ nước dưới đất ở đô thị tỉnh Hải Dương
Trước thực trạng trên, năm 2016, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia được giao thi công các hạng mục Đề án “Bảo vệ nước dưới đất” trong phạm vi ở đô thị Hải Dương nhằm xác định cấu trúc địa chất thủy văn, sự phân bố các tầng chứa nước, miền cấp cho nước dưới đất từ nước mưa và nước mặt; các cửa sổ địa chất thủy văn là nơi cung cấp từ nước sông cho nước dưới đất; sự dịch chuyển ranh giới mặn nhạt của tầng chứa nước.
Đồng thời, khoan nghiên cứu sự phân bố của các tầng chứa nước, hút nước thí nghiệm đánh giá thông số địa chất thủy văn của các tầng chứa nước; hút nước thí nghiệm nghiên cứu cơ chế dịch chuyển mặn nhạt của các tầng chứa nước của vùng đô thị.
Theo Thạc sỹ Tống Thanh Tùng, Chủ nhiệm Đề án, Đề án đã tiến hành xác định hiện trạng tài nguyên nước dưới đất đang được khai thác, sử dụng; nguyên nhân sụt lún nền đất, suy thoái, cạn kiệt tầng chứa nước do khai thác nước dưới đất quá mức; xác định các vùng nước dưới đất đã bị nhiễm mặn; xác định hiện trạng các nguồn thải (bãi chôn lấp chất thải, bãi rác, nghĩa trang, nước thải) tác động làm ô nhiễm đến nguồn nước.
Về trình tự thực hiện Đề án, Thạc sỹ Tống Thanh Tùng cho biết: Năm 2016, Liên đoàn được giao triển khai Điều tra thực địa xác định cấu trúc địa chất thủy văn, sự phân bố các tầng chứa nước; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hiện trạng nguồn gây bẩn ở đô thị Hải Dương. Sau khi hoàn thành 3 nội dung điều tra trên sẽ phân tích để xác định các vấn đề về tài nguyên nước dưới đất ở đây như nhiễm bẩn, nhiễm mặn. Dựa trên tiêu chí các khu vực đang còn trống tài liệu nghiên cứu, ranh giới nhiễm mặn đã tiến hành công tác khoan tại 4 cụm lỗ khoan nghiên cứu địa chất thủy văn.
Sau khi nghiên cứu, tính toán các thông số sẽ đưa ra các kết quả để làm cơ sở định hướng khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất.
Trong năm 2017, Liên đoàn sẽ tiếp tục triển khai công tác lấy và phân tích mẫu đất, mẫu nước nội dung nguồn thải; khoan và bơm hút thí nghiệm để xác định cấu trúc của khu vực bị nhiễm bẩn; nếu nguồn gây bẩn nằm trên tầng chứa nước ảnh hưởng trực tiếp sẽ khoan, bơm hút nước thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc và xác định khả năng dịch chuyển của chất bẩn trong tầng chứa nước.
Từ đó, đánh giá khả năng xâm nhập của nguồn ô nhiễm từ bề mặt xuống tầng chứa nước để có biện pháp phòng tránh và bảo vệ cho đối tượng khai thác nước...
Thạc sỹ Tống Thanh Tùng cho rằng: Sau khi hoàn thành, Đề án sẽ có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, là cơ sở định hướng cũng như quy hoạch về bảo vệ và sử dụng nguồn nước dưới đất cho địa phương. Đồng thời, thông qua việc xác định, đánh giá các nguồn gây bẩn trong đô thị có khả năng tác động trực tiếp đến nguồn nước dưới đất như các bãi rác, bãi chôn lấp rác dưới đất, điểm xả thải… sẽ định hướng cho địa phương có biện pháp bảo vệ các tầng chứa nước đó như tăng cường ý thức người dân không vứt rác bừa bãi, tập trung vào những điểm thu gom, thành lập các đới bảo vệ cho công trình khai thác nước phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững.